Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Đầu tư phát triển du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh



 


Để đầu tư phát triển du lịch, thành phố Hồ Chí Minh đã tranh thủ mọi cơ hội, tập trung sức và lực cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tạo mọi thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố: từ sân bay Tân Sơn Nhất, đến Bến Cảng Nhà Rồng, các trục lộ giao thông, đường sắt, đường thuỷ, đường bộ… Tuy thực tế còn nhiều bất cập nhưng trong những năm qua tiềm năng về cảng biển, sân bay, các đầu mối giao thông nối thành phố Hồ Chí Minh với cả nước và quốc tế đã được lãnh đạo các cấp giành ưu tiên quan tâm; từ khâu lập quy hoạch đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là chỉnh trang môi trường cảnh quan du lịch, tạo thêm nhiều điểm du lịch sinh thái, các khu, điểm du lịch… tăng sức hút của du khách ra ngoại ô thành phố và các vùng phụ cận, tránh ô nhiễm và những “Hội chứng” khác do cuộc sống đô thị gây ra.


Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng chú trọng công tác tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch và các loại hình dịch vụ du lịch. Trong đó một mặt chú trọng đến nguồn tài nguyên du lịch nhân văn như tổ chức tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng Dinh Thống Nhất, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Địa đạo Bến Dược – Củ Chi… kết hợp với việc mua sắm và giải trí ở các khu vực trung tâm và trong toàn thành phố. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ cộng đồng dân cư từ các miền, nhất là dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có lợi thế về văn hoá truyền thống đặc thù: từ lối sống, phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực… điều đó đang trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với du khách.


Mặt khác, chú trọng đến việc phục vụ nhu cầu thiết yếu trong một chuyến du lịch của du khách là mua sắm để phát triển dịch vụ kinh doanh hàng hoá, đặc biệt là hàng lưu niệm. Mua sắm là một trong những loại hình du khách hướng đến và việc thoả mãn nhu cầu mua sắm là dịch vụ không chỉ độc quyền của ngành thương mại mà còn là cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho ngành du lịch. Hàng lưu niệm là loại hàng hoá du lịch đặc thù ở các khu, điểm du lịch bởi nó ghi lại dấu ấn những chuyến đi, những nơi đến của du khách. Vì vậy, tại mỗi khách sạn hay các điểm tham quan du lịch trên toàn thành phố đều tổ chức các gian hàng lưu niệm phục vụ khách 24/24. Thậm chí có những con phố hoạt động dịch vụ này được chuyên nghiệp hoá cao như: Gỗ sứ gốm Trần Hưng Đạo B, Tượng đá Nguyễn Thị Minh Khai, Sơn mài gỗ mỹ nghệ Việt Nam Lê Thánh Tôn…


 




Đầu tư phát triển du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét