Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Đời sống kinh tế của người Chăm


Người Chăm định cư trên dải đất miền Trung với đặc điểm địa hình là miền đất hẹp, kéo dài và được cấu tạo bởi ba vùng: Núi – Đồng bằng – Biển cả. Khí hậu nơi đây khắc nghiệt, khô ẩm, nhiều nắng, ít mưa. Điều kiện tự nhiên, địa lí môi sinh đó đã hình thành nên nền kinh tế của người Chăm.


Trong nền kinh tế truyền thống của mình, người Chăm có một nền nông nghiệp phát triển khá sớm. Từ lâu đời họ đã biết đắp đập khai mương để trồng lúa nước mà đến nay vẫn còn các dấu vết các công trình thủy lợi trên dải đất miền trung như: đập Do Linh (Quảng Trị), đập Nha Trinh và đập Marên (Ninh Thuận). Họ còn có kĩ thuật canh tác ruộng nước khá cao. Tùy theo loại ruộng như ruộng gò (hamu tamu), ruộng cát (hamu cwah), ruộng sâu (hamu dhong) mà họ có kĩ thuật canh tác và sử dụng các loại giốngl úa ngắn ngày, cho năng suất cao như loại giống lúa chiêm, lúa mùa (padai bidiên, padai halim, paday ia ok, padai kuprok…). Do đó không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc và người Kinh đều du nhập giống lúa của người Chăm mà họ thường gọi là “lúa Chiêm”.


Bên cạnh làm ruộng người Chăm còn là những người làm vườn giỏi. Họ trồng nhiều hoa màu và cây ăn trái như ngô, khoai lang, đậu xanh, đậu nành, chuối, dừa, hồ tiêu… Nhờ đó mà dân cư có hoa quả và ăn rau xanh 4 mùa. Bên cạnh nghề nông, người Chăm còn biết khai thác những khu rừng lớn có các loại gồ mun, trầm hương, vỏ cây làm thuốc nhuộm… rất được ưa thích trên thị trường. Họ cũng biết khai thác tài nguyên khoáng sản ở xứ họ để đem bán ở xa. Người Chăm còn làm nghề biển, họ là những thủy thủ can trường, là những người buôn bán giỏi. Những chiếc thuyền buôn của họ thường vượt biển khơi đi đến hải cảng Trung Quốc và có mối quan hệ với các nước Java trong thời cổ trung đại.


Nói chung kinh tế truyền thống của người Chăm bao gồm cả nghề nông, nghề đi biển và khai thác rừng. Ba hình thái kinh tế đó đã góp phần làm cho đời sống kinh tế Chăm phát triển phồn thịnh và hiện nay còn in dấu ấn đậm nét trong lễ hội Chăm. Tuy nhiên ngày nay, một số ngànhkinh tế truyền thống đã bị mất đi. Hiện nay người Chăm không còn làm nghề biển. Tuy một số làng Chăm ở Ninh Thuận như Bỉnh Nghĩa, Tuấn Tú vẫn còn sống gần biển nhưng họ không làm nghề biển mà lại quay lưng với biển. Đa số (khoảng 95%) người Chăm Ninh Thuận ngày này sống bằng nghề nông, và một số ít làm nghề chăn nuôi và khai thác rừng. Đến nay họ vẫn còn phát huy truyền thống làm lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hoạt động nông nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ đạo trong đời sống kinh tế chủ đạo trong đời sống kinh tế của người Chăm hiện nay.


 




Đời sống kinh tế của người Chăm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét